Wednesday, April 9, 2014

Tháng tư

Kể từ ngày trở về nhà thì tầng hai là của riêng tôi. Tầng hai có hai phòng, một của tôi ở đằng trước và một của em tôi ở đằng sau. Từ ngày con bé đi lấy chồng thì phòng tôi trở thành phòng chứa tài liệu của ông cụ và đủ thứ thiên lôi khác. Cụ bà bố trí tôi sang phòng con em nhưng vì đằng sau đang xây nhà, thi thoảng lại có hàng xóm hát karaoke nên tôi quay trở lại cái phòng cũ của mình. Tuy hơi bừa bộn nhưng yên tĩnh.
Ở đây, thời gian có ngừng lại đôi chút. Cái đồng hồ vẫn hay kêu lách cách trên tường làm tôi phát điên, tôi tháo pin ra luôn. Tường cũ sơn đã bao năm  đã nhạt, bàn ghế cái nào cũng cũ xì, ngoài lan can mấy cây xương rồng vẫn y nguyên. Sống như vậy sao bảo thời gian không ngừng lại chứ

Tuesday, October 22, 2013

Linh tinh ngày mưa

1. Đường me

 Có một lần đọc tren FB một cô bạn, cô ấy hỏi đường Sài Gòn nào trồng nhiều cây me. Tôi nhớ ra có lần đứng ở cổng nhạc viện trên đường Nguyễn Du hẹn một người bạn lấy sách đã nhìn thấy hai bên đường trồng rất nhiều me, lá rụng li ti đầy gốc, ánh nắng lập lòe qua tán cây rất đẹp. Hôm sau đi ngoài đường mới để ý, hóa ra gần như con đường nào quanh Q1 và Q3 đều có trồng me cả. Buổi tối, mỗi lần đi từ Nguyễn Thị Minh Khai rẽ vào Trương Định tôi đều đi chậm lại, có một đoạn ngắn có hai hàng me xung quanh đẹp chết người. Và dù dòng người có tấp nập thế nào, phố xá ồn ã ra sao thì cũng phải ngước nhìn những tán là trên cao cái đã.

2. Cột điện

 Cột điện + loa phóng thanh là biểu tượng của thời bao cấp. Lạ là vẫn còn. Hồi ở Hà Nội tôi từng chuyển nhà vì cái loa phường treo trên cột điện gần nhà quá ồn ào. Thế kỷ bao nhiêu rồi? Sao vẫn tồn tại những thứ làm mất đi sự riêng tư của người khác như vậy. Ở SG cột điện không có loa, nhưng cũng như bao nơi khác, cột điện cõng trên nó hàng tá loại dây từ dây điện, cáp viễn thông, đến cáp truyền hình. Những sợi dây màu đen đó bó vào với nhau chỗ thẳng thớm, chỗ trùng xuống, chỗ thì cuộn tròn như bánh xe. Không biết còn cái xó xỉnh nào trên thế giới có cái cảnh này không. Tôi nhìn những cột điện đó và cố khắc ghi chúng. Nó có gì đó rất đô thị, rất đặc trưng vào thời điểm này. Tương lai khoảng vài chục năm nữa có khi tôi chỉ có thể nhìn lại chúng qua tranh ảnh thôi.

3. Chữ ký trong sách

 Có mấy lần hội chợ sách mở ra, có vài cuốn được tiếp thị rằng đến mua sớm sẽ có kèm chữ ký của tác giả, dịch giả. Tôi thấy vậy cũng thú vị, tôi từng cầm quyển sách có chữ ký đấy ở trên tay và bỏ lại, rồi quyết định mua quyển không có chữ ký. Tôi nghĩ chuyện ký này nó nên là cái gì đó riêng tư, tặng cho một ai đó mà tác giả quý mến chứ không thành thứ vô hồn không tình cảm thế này.
 Có đôi lần ở hàng sách cũ, cầm lên thấy chữ ký dịch giả đề tặng ai đó với lời lẽ rất hay. Tôi cứ nghĩ mãi sao người ta không giữ mà lại bay ra hàng sách cũ thế này.
Tôi chắc rằng cuốn sách cũng như cuộc đời, có số phận riêng của nó.
Tự nhiên nhớ tới bức tranh vẽ một "cây thông con" nói với "cây thông cha" rằng "I want to become a book" :)

Sunday, July 14, 2013

Đêm trong tu viện

 Hai ngày rồi lên chùa. Tôi đi vì cảm thấy cần đi đâu đó yên tĩnh một chút thôi chứ chẳng hiểu tu tập là nghĩa làm sao. Đi trên đường gặp vài chỗ có bờ ruộng lúa vàng, bên bờ xa là tre xanh cao vút mà ngỡ như nhìn thấy tranh Levitan.
 Tu viện là một cái khuôn viên toàn cây cối, rộng quá so với trí tưởng tượng của tôi. Ở nơi xa xôi này thì người ít, đất nhiều là phải rồi. Lần đầu được giảng lý thuyết Thiền mà suy nghĩ lơ mơ thấy nó va chạm với Đạo Lão chan chát, nhưng nghĩ là  tôi đang cần tâm yên nên thôi cứ nghe. Lúc ngồi Thiền được 5 phút gì đó là có Chánh Niệm tập trung lên hơi thở, sau đấy cái Chánh Niệm kia nó chạy đi đâu mất vì tôi bắt đầu để cho đầu óc nghĩ rằng đang là Đạt Ma ngồi Diện Bích rồi lan man sang Ma Kha Chỉ, Dịch Cân Kinh, Đại Lực Kim Cang Chỉ, rồi cười nhớ tới cái đoạn đọc ở đâu đó về Tam Nhập Địa Ngục của Phật "Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục đây?"... Lan man mãi thế tới khi nghe boong một cái thì trở về thực tại, Sư Cô bắt đầu "hát" Kinh, giọng cao vút, lúc lại xuống trầm làm tôi nghĩ tới Opera. Sư Cô giọng hay thật, nếu hát Opera chắc cũng không phải vấn đề lớn.
 Lúc sau là tới giờ tụng kinh và tôi bắt đầu nãn, ra ngoài ngồi nhìn ra vườn cây, việc làm lúc đó là đếm nhịp tiếng gõ khi đọc kinh. Phát hiện ra kinh kệ thế này mà đúng có 6 phách, mà nhấn vào mỗi phách thứ nhất nên chẳng biết quy nó thành 6/8 được không nữa.

Lên chùa vốn không được sát sinh, nhưng xung quanh cây cối nhiều, lại đang mùa mưa nên muỗi cứ gọi là vô thiên lũng. Phản ứng tự nhiên là dùng Phách Không Chưởng tiễn gần năm em đi đầu thai kiếp khác, kèm một vài em cụt vòi, gãy chân>>> khả năng là sẽ không lấy vợ được. Thiện tai, thiện tai: Ta vốn không muốn sát sinh  nhưng bọn mi vì ta mà chết thế nên đồng bọn của bọn mi thi nhau trả thù - Oan oan tương báo thế này biết khi nào mới dứt đây?
Dù sao hồi chiều đứng dưới mưa để chuyển gạo vào chùa với cơn sốt dở từ nhà, và giờ đầu bắt đầu nóng ran lên nên thôi coi như là quả báo nhãn tiền đi.

 Đêm ở đây yên tĩnh, cây cối âm u, côn trùng thi nhau chơi nhạc giao hưởng. Đại chúng ngủ mất tiêu, tôi trằn trọc đi ra đi vào, ngẫm lại coi như là đi Thiền Hành một mình. Cuối cùng vác theo hai cuốn sách đọc hết veo cho tới sáng. Đã sốt và thức cả đêm nên người như đi trên mây. Sáng sau giờ thiền thì cảm thấy mệt lắm rồi, nhìn Sư Cô hiền lành múc đồ ăn cho mọi người làm tôi nghĩ chắc những con người hiền lành bình dị này làm  mình  thích lên chùa, chứ người như tôi thì tu tập được cái gì đâu.
 Mọi người đi Thiền Hành, tôi trơ trọi đứng trong tu viện thênh thang, nhìn đống bồ đoàn tôi cứ đi vòng quanh phát hiện ra gần 80 cái, rồi cái trí tưởng tượng hài hài lại nổi lên, nghĩ rằng mấy cái bồ đoàn này xếp được 2 tiểu La Hán Trận (36 cái một trận) , không xếp được Đại La Hán trận thật là đáng tiếc lắm thay.
Tôi nhìn tượng phật Thích Ca trên cao mỉm cười, nghĩ rằng cụ dù thế nào cũng có gì đấy khiến tôi đồng cảm được, thế nên chặp tay cúi chào một cái.

 Có những điều đọc sách giúp tôi hiểu được rằng tại sao tôn giáo lại được sinh ra và tồn tại đến giờ. Về cớ bản thì triết học và tôn giáo sinh ra để giúp con người có được "Tự do" mà thôi. Nhưng cái "tự do" đấy tôi không cảm được. Lên chùa, nói chuyện với với tăng ni làm tôi dễ cảm nhận hơn. Lúc đứng dưới mưa khênh đồ vào chùa, đứng bên cạnh là một tiểu ni cô đã 22 tuổi, trốn ba mẹ đi tu từ năm 16 tuổi. Nhìn rất hiền lành và hay cười. Tôi hỏi thật lòng rằng tiểu ni cô có cảm thấy hạnh phúc với con đường mình chọn không, ni cô cười rất tươi và bảo rằng là có. Vậy là ổn rồi. Tôi không theo phật, cũng không hiểu đối với những con người như tiểu ni cô này cái hạnh phúc có con cái, và người chông ở bên cạnh có tốt hơn làm một tiểu ni cô không. Điều này chẳng bao giờ biết được vì ta chỉ có thể sống với lựa chọn của mình thôi. 

Đêm không ngủ được, đọc sách xong vẫn chẳng ngủ được nên ra ghế đá ngồi ngắm nhìn bầu trời đêm. Ở thành phố tôi vẫn hay nhìn trời, thường chỉ thấy Trăng, còn ở đây thì ngược lại, chỉ thấy sao. Tôi xem cái sao nào mình nên trở thành, rồi chấm một ngôi: nó nằm xa tít, cách xa những vì sao khác, cũng chẳng sáng lắm và tự hỏi liệu sao đấy lúc này còn sống không. Ánh sáng chiếu tới mắt tôi có thể phải đi cả triệu năm trong vũ trụ và giờ này có lẽ nó đá nguội lạnh trở thành một hố đen, một sao lùn trắng hay sao Neutron rồi cũng nên... Rồi tôi lại nghĩ mình lên chùa làm gì, rồi từ từ vẽ ra đủ thứ bằng trí tưởng tượng: Có thể tôi thích yên tĩnh nhưng cũng là ham vui đi với bạn. Và biết đâu đấy có vị bồ tát nào thấy tôi đơn chiếc mà cứu vợt cuộc đời tôi cũng nên. Tôi phì cười với ý nghĩ này. Sau rồi tôi mơ màng chuyện tình yêu, nghĩ bảo nếu mình yêu một ai đó, nửa đêm bỗng thấy nhớ cô ấy quá liền chạy sang nhà và gọi điện gọi cô ấy ra "Này, anh thấy nhớ em quá, ra đây anh ôm em một cái không anh chết ngay đây này", cô ấy sẽ tức giận và mắng vài câu nhưng vẫn mò ra. Khi tạm biệt xong tôi hi hi bỏ về còn cô ấy nhìn theo với anh mắt vừa giận vừa tức cười.

 Tôi bắt được một anh dễ trũi rất to, to nhất tôi từng thấy. Tôi tạm phong anh chức Đại Tướng. Đại Tướng co chân đầy gai đạp vào ngón tay tôi, giơ cái miệng đầy răng lởm chởm chực cắn tôi trong vô vọng. Tôi ném Đại Tướng vào trong châu hoa và Đại Tướng bay lên và bị bóng đêm nuốt chửng. Chắc Đại Tướng đi tìm tình yêu rồi "May mắn nhé Đại Tướng" là tôi nghĩ thế thôi, chứ nói ra ai còn thức tưởng tôi nói chuyện với ma.
 Sáng ra, sau khi mọi người khất thực xong là tới giờ Pháp Thoại, tôi chuồn ra ghế đá chỗ vắng người tính đọc sách tiếp nhưng mắt tôi bảo là "Mày để tao nhắm lại, rồi thích đọc gì thì đọc" Thế là đành phải chiều nó nằm luôn lên ghế đá ngủ ngon lành. Lúc sau có một Ni Sư đi qua chỉ cho chỗ ngủ có quạt thế là leo lên làm một giấc cho tới tận gần 2h. Dậy rồi đi loanh quanh, nhìn mấy đứa nhỏ chơi đùa vui vẻ thấy cuộc sống thế này là ổn rồi. Tạm các Ni Sư, tạm biệt vài người bạn mới mình về ^^

Monday, June 10, 2013

Đọc hay không đọc: Nghìn lẽ một đêm

Tôi đọc truyện “Nghìn lẽ một đêm” đầu tiên khi tôi lên bảy tuổi. Tôi cũng chỉ vừa học xong năm học học đầu tiên ở trường tiểu học. Tôi cùng anh trai đang đi nghỉ hè ở Geneva, Thụy Sỹ, nơi mà ba mẹ tôi chuyển tới sau khi ba tôi tìm được một công việc ở đó. Để giúp chúng tôi tăng khả năng đọc, dì tôi đưa cho chúng tôi một bộ sưu tập các câu chuyện “Nghìn lẽ một đêm” khi chúng tôi rời Istanbul,. Đó là một cuốn sách đẹp, in trên giấy chất lượng cao và tôi nhớ rằng tôi đã đọc bốn hoặc năm lần trong suốt mùa hè.

 Mỗi khi trời nóng, tôi trở về phòng của mình nghỉ ngơi sau bữa trưa, nằm dài trên giường, tôi đọc những câu chuyện na ná nhau hết lần này đến lần khác.
Nơi tọa lạc căn hộ của chúng tôi là một trong những đường phố cách xa bờ hồ Geneva, và như một cơn gió nhẹ thổi qua cửa sổ đang mở, giai điệu từ chiếc đàn Accordion của người ăn xin thổi qua bãi đất trỗng phía sau nhà của chúng tôi như cuốn  tôi  tới  vùng đất của Aladin, Ali baba.

 Tên của đất nước tôi ghé thăm là gì nhỉ? Chuyến thám hiểm đầu tiên của tôi là tới một vùng đất xa xôi và lạ lẫm, nơi đó nguyên thủy hơn đất nước của chúng tôi nhưng là một phần của một vương quốc thần tiên. Bạn có thể đi dạo xuống bất cứ con phố nào của Istanbul, gặp những người cùng tên như những anh hùng trong truyện và dường như điều đó khiến tôi cảm thấy một chút gần gũi với họ, nhưng tôi không thấy bất kỳ điều gì về thế giới của tôi trong những câu chuyện của họ; có lẽ cuộc sống là như thế này trong hầu hết các ngôi làng xa xôi của Anatolia nhưng không thể có  ở Istanbul hiện đại. Vì vậy, lần đầu tiên tôi đọc “Nghìn lẻ một đêm”, tôi đọc nó như là một đứa trẻ phương Tây, ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu của phương Đông. Tôi không hể biết rằng những câu chuyện đó từ lâu đã thâm nhập vào nền văn hóa của chúng tôi từ Ấn Độ, Ả Rập và Iran; hay thậm chí là Istanbul, nơi tôi sinh ra, đó là một trong những minh chứng sống cho truyền thống mà từ đó những câu chuyện tuyệt vời được nảy sinh; hay những ước lệ như: những lời dối trá, thủ đoạn, lừa bịp, tình yêu và sự phản bội, sự cải trang, bóp méo sự thật hay những sự ngạc nhiên đã khắc sâu vào sự rối rắm của thành phố quê hương tôi và những linh hồn bí ẩn ở đó.

Mãi sau này tôi đã phát hiện ra từ những cuốn sách khác đã chỉ ra rằng những truyện đầu tiên mà tôi đọc về “Nghìn lẽ một đêm” đã không được chọn lọc từ những bản thảo nguyên gốc của Antonine Galland, một dịch giả người Pháp đã xếp thành một bộ hợp tuyển đầu tiên mà ông tuyên bố là mình đã mua ở Syria. Galland đã không lấy truyện “Ali Baba và bốn mươi tên cướp” và “Aladin và cây đèn thần” từ trong sách, ông đã nghe được những truyện đó từ một giáo đồ Kito Ả rập tên là Hanna Diyab và chỉ viết chúng ra mãi về sau này, khi ông đặt hai truyện đó vào chung tuyển tập của mình.
Điều này đưa chúng ta đến chủ đề thực tế: “Nghìn lẻ một đêm” là một điều kỳ diệu của văn học phương Đông. Nhưng vì chúng ta sống trong một nền văn hóa đã bị cắt đứt mối liên hệ với di sản văn hóa riêng của mình và quên những gì nó nợ Ấn Độ và Iran, mà đáng lẽ ra "Nghìn lẽ một đêm" phải được chuyển giao cho chúng ta và tạo nên cơn chấn động với văn học phương Tây thì nó lại trở lại với chúng ta qua những nước Châu Âu khác.Mặc dù nó đã được xuất bản thông qua nhiều ngôn ngữ phương Tây, đôi khi được dịch bởi những dịch giả giỏi nhất thời đại, nhưng cũng có thể bởi những kẻ lạ lùng, loạn trí và ngu xuẩn nhất.

[..]

Cùng thời gian đó, tuyển tập của Galland bắt đầu được xuất bản vào năm 1704 là có ảnh hưởng nhất, được đọc nhiều nhất suốt một thời gian dài. Dù không quá lời khi có thể nói rằng lần đầu tiên một chuỗi các câu chuyện tưởng không bao giờ kết thúc đã xuất hiễn như một thực thể hữu hạn và những câu chuyện đó làm cho các ấn bản của nó trở nên sự nổi tiếng toàn thế giới. Tuyển tập đã gây ảnh hưởng rộng rãi và mạnh mẽ lên cách viết văn của Châu Âu và làm nó tốt hơn trong suốt phần còn lại của thế kỷ. Những cơn gió “Nghìn lẽ một đêm” đã thổi qua những trang văn của Stendhal, Coleridge, De Quincey, và Poe. Nhưng nếu chúng ta đọc tuyển tập từ đầu tới cuối, chúng ta có thể nhìn thấy giới hạn của sự ảnh hưởng đó.

"Nghìn lẽ một đêm" được quan tâm chủ yếu là bởi những gì chúng ta gọi là "Thần bí phương Đông" - những câu chuyện đều được trang bị với những phép màu, xuất hiện kỳ lạ và siêu nhiên, và những cảnh khủng bố, nhưng trong “Nghìn lẽ một đêm” những điều đó còn xuất hiện nhiều hơn nữa. Tôi có thể thấy rõ điều này khi tôi đọc lại bản “Nghìn lẽ một đêm” hồi những năm tôi hai mươi. Bản tôi đọc này được dịch bởi Raif Karadag, người giới thiệu lại cuốn sách cho công chúng Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm 1950. Đương nhiên như hầu hết độc giả, tôi không đọc từ đầu tới cuối truyện, mà để sự tò mò dẫn lối tôi từ câu chuyện này qua câu chuyện khác. Tới lần đọc thứ hai, cuốn sách khiêu khích và tạo ra rắc rối cho tôi. Ngay cả khi tôi lướt từ trang này sang trang khác, kìm nén bởi sự hồi hộp, tôi bực bội và đôi khi cảm thấy ghét những gì mình đã đọc. Điều đó nói lên rằng tôi chưa bao giờ cảm thấy mình đã đọc với một ý thức trách nhiệm cao, như đôi khi chúng ta đọc một tác phẩm kinh điển; Tôi đọc với sự quan tâm rất lớn, trong khi lại ghét các yếu tố mà tôi quan tâm. Ba mươi năm sau, tôi nghĩ rằng tôi biết nó là gì, những điều đã làm phiền tôi rất nhiều: Trong hầu hết các câu chuyện, đàn ông và phụ nữ cùng tham gia vào một cuộc chiến tranh không ngừng của sự lừa dối. Tôi đã mất bình tĩnh bởi cái vòng  luẩn quẩn không  bao giờ kết thúc của trò chơi, thủ đoạn, sự phản bội, và những hành động khiêu khích. Trong thế giới của “Nghìn lẽ một đêm”, người phụ nữ không bao giờ có thể tin cậy được. Bạn không thể tin phụ nữ dù chỉ một điều khi họ nói rằng họ không làm gì cả nhưng lại lừa người đàn ông với các trò chơi nhỏ và mưu mẹo của họ. Nó bắt đầu ngay  từ trang đầu tiên, nàng Sheherazade giữ một người đàn ông mà mình không yêu khỏi giết mình bằng cách bỏ bùa anh ta bằng những câu chuyện của nàng. Nếu mô hình này được lặp đi lặp lại suốt cuốn sách, nó chỉ có thể phản ánh một cách sâu sắc điều đó và về cơ bản những người đàn ông sợ những người phụ nữ trong văn hóa mà nó tược tạo ra. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế là những người phụ nữ sử dụng vũ khí thành công nhất là sự quyến rũ của họ. Với ý nghĩa này, “Nghìn lẽ một đêm” là một biểu hiện mạnh mẽ về sự sợ hãi kìm nén của người đàn ông trong thời đại của họ: Rằng những người phụ nữ có thẻ bỏ rơi họ, cắm sừng họ, kết tội họ, từ đó làm họ cô đơn.

Câu chuyện gây ra sự kích động mạnh mẽ và trụy lạc nhất là câu chuyện về hoàng đế, người mà theo dõi toàn bộ hậu cung của mình cắm sừng anh ta bởi các nô lệ da đen. Điều này khẳng định tất cả những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của đàn ông và những định kiến của họ về phái nữ. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà những nhà văn nổi tiếng Thổ Nhĩ Kỳ thời kỳ hiện đại theo trường phái chính trị “Chủ nghĩa xã hội hiện thực" như Kemal Tahir chọn câu chuyện này để nhào nặn thành bất cứ câu chuyện gì mà họ có khả năng làm ra.

[...]

Sự chán ghét của tôi sau khi đọc “Nghìn lẽ một đêm” lần thứ hai có thể là xuất phát từ khía cạnh đạo đức của câu chuyện mà đôi khi nó làm tổn thương các nước phương Tây. Trong những ngày đó, những người Thổ Nhĩ Kỳ trẻ như tôi tự coi mình là hiện đại bằng cách xem những tác phẩm văn học kinh điển của Phương Đông như một cánh rừng đen tối không thế xuyên thủng. Giờ đây tôi nghĩ rằng những gì chúng tôi thiếu là một "điểm mấu chốt", một cách thâm nhập vào văn chương mà vẫn bảo tồn được quan điểm hiện đại, nhưng vẫn cho phép chúng tôi đánh giá sự kỳ lạ, hài hước và những nét đẹp ngẫu nhiên trong đó.

Chỉ đến khi tôi đọc “Nghìn lẻ một đêm” lần thứ ba tôi mới có thể sưởi ấm cho nó. Nhưng trong quãng thời gian này, tôi muốn hiểu điều gì đã quá quyến rũ các nhà văn phương Tây qua các thời đại, những gì đã làm cho cuốn sách thành một tác phẩm kinh điển. Giờ tôi đã thấy nó như một đại dương những câu chuyện, một đại dương không có điểm kết thúc và những gì làm tôi kinh ngạc là tham vọng của nó, sự bí ẩn nội tại hình học của nó.

[...]

Vì vậy, vào lần thứ ba tôi đọc lại, tôi đã có thể đánh giá cao "Nghìn lẻ một đêm" như một tác phẩm nghệ thuật, để tận hưởng logic của những trò trơi vượt thời gian, của sự cải trang, trốn tìm, và nhiều sự lừa gạt của nó.

[...]

 Với sự giúp đỡ của các phiên bản chú thích bằng tiếng Anh, tôi đã có thể đọc được “Nghìn lẽ một đêm” trong logic bí mật của nó khi tôi đang ở độ tuổi ba lăm, những trò đùa bên trong, sự phong phú, vẻ đẹp nhu mì và kỳ lạ, sự chen ngang xấu xa, hành động vô liêm sỉ và cả sự thô tục, nói một cách ngắn gon nó là một kho báu. Mối quan hệ yêu-ghét trước đây của tôi với cuốn sách đã không còn quan trọng nữa: Đứa trẻ không thể nhận ra thế giới của mình trong đó là đứa trẻ không thể chấp nhận cuộc sống của nó như nó vốn như vậy.

[...]

 Tôi đã từ từ thấy rằng trừ khi chúng ta chấp nhận “Nghìn lẽ một đêm” như nó vốn có, nó sẽ tiếp tục giống như cuộc sống, nếu chúng ta từ chối chấp nhận nó,  nó sẽ như là nguồn gốc của sự bất hạnh. Người đọc nên tiếp cận cuốn sách mà không nên hy vọng hay định kiến và đọc nó với niềm vui, theo ý tưởng bất chợt và logic của riêng nó. Mặc dù có lẽ tôi đã đi quá xa, có lẽ là sai lầm khi gửi một độc giả tới cuốn sách với bất kỳ một định kiến nào.

Tôi vẫn còn muốn sử dụng cuốn sách này để nói một điều về việc đọc và cái chết. Có hai điều mà mọi người luôn nói về “Nghìn lẽ một đêm”. Một là chưa có ai từng đọc cuốn sách này từ đầu cho tối cuối. Hai là bất cứ ai muốn đọc nó từ đầu tới cuối chắc chắn là sẽ chết. Dù vậy một người đọc tỉnh táo sẽ thấy hai cảnh báo này phù hợp với nhau mà sẽ đọc truyện một cách cẩn trọng. Nhưng không có lý do nào để sợ hãi cả. Bởi vì tất cả chúng ta đều sẽ chết vào một ngày nào đấy, cho dù chúng ta có đọc nghìn lẽ một đêm hay là không.

Nghìn lẽ một đêm.
( Lược dịch từ tập Other colors - Orhan Pamuk)

Sunday, June 9, 2013

Để được hạnh phúc

[...]

 Khi tôi tới bờ biển với con gái năm tuổi của tôi, Ruya, tôi trở thành người đàn ông hạnh phúc nhất trên thế giới. Người đàn ông hạnh phúc thế giới muốn điều gì nhất? Dĩ nhiên là anh ta muốn được tiếp tục là người đàn ông hạnh phúc nhất thế giới. Đó là lý do tại sao anh ta biết sự quan trọng khi mỗi lần làm những việc tương tự nhau. Và đó là những gì chúng tôi làm, luôn làm những việc tương tự nhau.


1.   Đầu tiên tôi nói với con gái rằng: Hôm nay chúng ta sẽ đi tới bãi biển và ở đó một thời gian. Sau đấy Ruya cố gắng làm cho thời gian trôi nhanh hơn. Nhưng khái niệm về thời gian của con bé có chút rắc rối. Ví dụ như con bé sẽ đột nhiên đến bên tôi và nói

-        Tới giờ chưa ba?

-        Chưa

-        Liệu có phải còn năm phút nữa?”

-        Không phải, còn những hai tiếng rưỡi nữa kia.

Năm phút sau, con bé có thể sẽ quay lại và hỏi bằng tất cả sự ngây thơ

-        Ba ơi, giờ mình sẽ đi biển chứ?

Hoặc trễ hơn một chút, bằng một giọng nói nũng nịu để lừa tôi, Ruya sẽ hỏi “Giờ mình sẽ đi chứ?”


2.   Thời gian tưởng chừng không bao giờ đến, nhưng rồi nó cũng đến. Ruya giờ đang mặc bộ đồ bơi ngồi trong xe bốn bánh Safa dành cho trẻ em của con bé. Bên trong nó là khăn tắm, đồ bơi, và một túi rơm ngớ ngẩn mà tôi chuyển sang đùi của con bé trước khi tôi kéo xe về phía trước theo cách thông thường.


3.   Chúng tôi đi xuống con hẻm nhỏ lát đá cuội, Ruya mở miệng nói Aaaah như những viên đá cuội kêu lách cách dưới bánh xe, điều này làm tiếng kêu của con bé bị đổi thành Aa – aa- Aaaah. Những hòn đá khiến Ruya hát! Nghe nó, chúng tôi cùng cười.


4.   Đi xuống con đường nhỏ hướng ra biển, khi chúng tôi rời khỏi toa xe bên cạnh để bắt đầu đi xuống bãi biển, Ruya luôn nói rằng “Những tên cướp không bao giờ tới đây”


5.   Chúng tôi nhanh chóng trãi những thứ mang theo lên những hòn đá, cởi đồ và lội ra biển sâu ngập gối. Sau đó tôi nói “Bình tĩnh nhé con, nhưng đừng có lội xa quá nhé. Để ba bơi một vòng và khi ba trở lại chúng ta sẽ cùng chơi. Được chứ? “Được ạ”.


6.    Tôi bơi ra xa, để những suy nghĩ lại phía sau.Khi tôi ngừng lại, tôi nhìn về phía bờ để thấy Ruya trong bộ đồ bơi giờ trông như một vệt đỏ, và tôi cảm thấy tôi yêu con bé biết nhường nào. Tôi thấy buồn cười khi ở vùng nước này khi nhìn con bé đang đi từng bước chập chững gần bờ.


7.    Tôi quay trở lại. Khi tôi tới bờ, chúng tôi bắt đầu chơi: đá; tóe nước; phun nước từ miệng; giả vờ bơi; ném những hòn đá xuống biển; trò chuyện với hang động biết nói; thôi nào, đừng sợ như gà thế, giờ hãy bơi đi con, và  tất cả những trò vui khác của chúng tôi, theo trình tự chúng tôi chơi lại một lần nữa.


8.   - Môi con tím hết rồi, con bị lạnh rồi đấy

      -  Không, con không lạnh

      -   Con lạnh, chúng ta đều nhận ra điều đó

Việc này diễn ra trong một khoảng thời gian, sau khi những tranh cãi kết thúc chúng tôi lên bờ lau khô người và thay đổi đồ bơi cho con bé.


9.   Đột nhiên con bé nhảy khỏi tay tôi và chạy khỏa thân trên bãi biển, vừa chạy vừa cười vang. Tôi cố băng  qua những viên đá trên đôi chân trần, tôi chạy khập khiễng và điều này làm Ruya cười nhiều hơn nữa

“Nhìn đi, ba sẽ đi giày và sẽ bắt được con” Tôi nói.Tôi làm như vậy và con bé hét lên.


10.  Trên đường trở về nhà, trong khi tôi kéo chiếc xe của Ruya, chúng tôi đều mệt và cảm thấy vui vẻ. Chúng tôi nghĩ về cuộc sống, về biển đã ở phía sau chúng tôi và chúng tôi không cần nói một lời nào cả.


Friday, June 7, 2013

Cha tôi


Một đêm tôi trở về nhà muộn. Họ nói với tôi rằng cha tôi đã mất.Như một vết thương nhói lên trong lòng là hình ảnh cha khi tôi còn nhỏ với đôi chân gầy guộc trong chiếc quần soọc.

Buổi sáng hai ngày sau đó, tôi tới nhà cha để nhìn ông lần cuối. “Ông ấy ở trong phòng phía sau”, họ nói với tôi như vậy. Và tôi bước vào bên trong. Sau nhiều giờ, tôi trở lại Valikonagy Avenue, vừa trước bình minh, đường phố Nisantasi vắng lặng và lạnh lẽo, ánh sáng lờ mờ từ cửa sổ của những cửa hàng mà tôi đã bước qua hơn năm mươi năm qua dường như  trở nên xa xôi và lạ lẫm.

 Buổi sáng hôm đó, tôi không ngủ và cứ như đang mơ, tôi nói chuyện trên điện thoại với vài vị khách, và đắm mình trong việc sắp xếp tang lễ; khi đó tôi đã nhận được vài lưu ý, yêu cầu, những lời cầu chúc, giải quyết vài tranh chấp lặt vặt, và viết cáo phó về cái chết của cha mà tôi đã dần hiểu ra tại sao mọi việc lại phải làm như vậy. Đối với tất cả các tang lễ, các nghi lễ còn trở nên quan trọng hơn cả người quá cố.

Vào buổi tối, chúng tôi tới nghĩa trang Edirnekapi để chuẩn bị cho việc chôn cất.Khi anh trai tôi và những người anh em họ đi vào tòa nhà nhỏ  là nơi quản lý nghĩa trang, tôi nhận ra bản thân đang ở một mình cùng người lái Taxi đang ngồi ở ghế trước. Đó là khi ông ấy nói rằng ông biết tôi là ai.

“Cha tôi đã mất” Tôi nói với ông ấy như vậy. Không suy tính gì cả và cũng không bất ngờ gì, tôi bắt đầu kể cho ông ấy về cha tôi. Tôi nói rằng cha tôi là một người đàn ông tốt, quan trọng hơn, tôi yêu ông ấy.

 Mặt trời dường như sắp mọc, nghĩa trang hoang vắng và tĩnh mịch. Những tòa nhà màu xám cao trọc trời đã mất dần sự ảm đạm thường ngày; chúng toát ra một thứ ánh sáng kỳ lạ.Khi tôi đang nói, bất ngờ một cơn gió lạnh thổi qua làm chúng tôi không thể nghe được tiếng cây tiêu huyền và cây bách lắc lư, và hình ảnh này mãi khắc sâu vào tâm trí tôi, như đôi chân gầy guộc của cha tôi vậy.

Trời bắt đầu sáng hơn, sự chờ đợi của chúng tôi trở nên dài đằng đẵng, người tài xế, giờ đây nói với tôi rằng tôi và ông ấy cùng chia sẻ một cái tên,ông vỗ mạnh lên lưng tôi hai cái với đầy thương xót rồi rời đi. Những điều tôi đã kể cho ông ấy nghe, tôi đã không kể với ai khác. Nhưng một tuần sau, những điều ấy đã nhập vào cùng những kỷ niệm và sự đau buồn của tôi. Nếu tôi không thể  thốt ra  bằng lời, nó có thể lớn dần lên và sẽ là nguyên nhân khiến tôi đau đớn hơn nữa.

Khi tôi kể với người tài xế rằng,”Cha tôi chưa từng cau có với tôi, thậm chí không mắng tôi, và chưa bao giờ đánh tôi” là tôi nói mà không cần nghĩ gì nhiều. Tôi chỉ không muốn đề cập tới đức tính tốt đẹp nhất của ông là lòng tốt. Khi tôi còn là một đứa trẻ, cha tôi luôn nhìn mỗi bức tranh tôi vẽ với sự ngưỡng mộ chân thành; khi tôi hỏi ý kiến của ông, ông luôn kiểm tra từng đường nét vẽ vội của tôi cứ như chúng là những kiệt tác; ông luôn cười ngặt nghẽo đối với mỗi câu đùa vô vị của tôi. Ông đã truyền cho tôi sự tự tin, mà nếu thiếu nó tôi đã khó mà có thể trở thành một nhà văn,để lựa chọn này thành nghề nghiệp của tôi. Niềm tin vào chúng tôi là cách dễ dàng để thuyết phục anh em tôi tin rằng chúng tôi tuyệt vời và độc đáo như thế nào, điều đó đến từ niềm tin vào trí tuệ của riêng ông. Thời trẻ con vô tư, ông chân thành tin rằng chúng tôi được định hướng để trở thành người tài giỏi, chín chắn và nhanh trí như ông, chỉ bởi đơn giản chúng tôi là con của ông.

[...]

Ông không phải là người rất khiêm tốn, những câu chuyện lôi cuốn của ông đã chỉ ra rằng ông đã thông mình như thế nào. Ông rất thích kể cho chúng tôi, ví dụ, khi còn ở trường trung học, thời vẫn còn phải mặc những chiếc quần ngắn đi học, thầy giáo dạy toán đã gọi ông vào lớp dành cho những học sinh lớn tuổi nhất trường và anh chàng Gunduz bé nhỏ (cha tôi) đã đi tới bảng đen giải quyết bài toán đã làm bối rối những chững chàng trai lớn hơn cậu ba tuổi và thầy giáo đã khen ngợi ông bằng hai từ “Tốt lắm”. Anh chàng bé nhỏ sau đó quay lại những người khác và nói “Vậy đó”. Đối mặt với ví dụ của cha, tôi thấy bản thân bị kẹt giữa lòng ghen tị và niềm ước ao được như ông.

Tôi có thể nói tương tự về vẻ ngoài ưa nhìn của ông. Mọi người thường nói rằng tôi giống ông, ngoại trừ ông chỉn chu và hào phóng hơn. Giống như gia tài mà ông được hưởng từ ông nội, dù gặp nhiều thất bại trong kinh doanh, quản lý yếu kém làm cho kiệt quệ nhưng vẻ ngoài ưa nhìn cho phép ông có một cuộc sống vui vẻ và dễ dàng, vì thế ngay cả khi ngày tồi tệ nhất tới, ông vẫn lạc quan một cách ngây thơ, vẫn có những ý định tốt đẹp và niềm tin không thể lay chuyển về giá trị của bản thân. Đối với ông, cuộc đời không phải là thứ chúng ta phải tìm kiếm mà là thứ chúng ta được tận hưởng. Thế giới không phải là một chiến trường mà là một sân chơi và khi ông lớn lên ông dần cảm thấy có một sự phiển toái nho nhỏ về khối tài sản được hưởng, trí óc minh mẫn và vẻ ngoài ưa nhìn của mình. Ông đã tận hưởng đầy đủ tuổi trẻ mà không phóng đại tên tuổi hay sức manh của mình như ông có thể mơ ước. Nhưng, trong tất cả các vấn đề gặp phải, ông không mất thời gian lo lắng về nó.Ông có thể nhún vai thất vọng dễ dàng như trẻ con khi mà ông cảm thấy đang được phân phát bởi một ai đó.Ông đơn giản tới mức ngay cả sự sở hữu cũng khiến ông cảm thấy phiền toái.Vì thế mà mặc dù cuộc sống của ông đã xuống dốc sau khi ông ba mươi tuổi, dẫn đến một chuỗi dài thất vọng nhưng tôi không bao giờ nghe ông phàn nàn nhiều. Lúc về già, ông ngồi ăn tối với một nhà phê bình nổi tiếng, người mà sau đấy chúng tôi cũng gặp đã kêu lên đầy oán giận rằng “Cha của các anh không có gì phức tạp!”

Nhờ sự lạc quan như cậu bé Peter Pan mà ông đã tự giải thoát khỏi những cơn giận giữ và ám ảnh. Ông đọc rất nhiều sách, ông đã từng mơ mình trở thành một nhà thơ, và trong suốt cuộc đời ông cũng từng dịch vài bài thơ của Valery. Tôi tin rằng ông đã  quá thoải mái với vai trò đó đến mức ông cảm thấy yên tâm về tương lai của mình, lúc nào ông cũng muốn được chú ý đến bới những đam mê thiết yếu trong sáng tạo văn học. Thời trẻ ông có một thư viện sách khá phong phú, về sau ông đã rất vui để tôi cướp nó từ tay ông. Nhưng quả thực kiểu đọc sách của ông rất khác với tôi. Tôi thường đọc ngấu nghiến và phấn khích đến quay cuồng còn ông chỉ đọc cho vui, để chuyển hướng suy nghĩ và chủ yếu là ông toàn đọc giữa chừng rồi bỏ.

[...]

 Tôi thích những bộ phim mà ông đưa tôi đi xem, hào hứng lắng nghe những tranh luận về bộ phim giữa ông và những người khác. Tôi thích những câu chuyện hài của ông về những kẻ ngốc nghếch, những thứ xấu xa, vô hồn, cũng ngang như tôi thích nghe ông nói về một loại trái cây mới, một thành phố ông từng đến hay những tin tức hoặc cuốn sách mới nhất; nhưng trên hết tôi thích được ông vuốt ve, tôi thích ông mang tôi theo một chuyến đi xa. Bởi vì tôi và ông sẽ ở cùng nhau trên một chiếc xe, lúc đó tôi cảm thấy tôi không thể mất ông. Khi ông đang lái xe, chúng tôi không thể nhìn nhau nhưng có thể nói chuyện như hai người bạn, lúc đó chúng tôi có thể chạm vào những câu hỏi khó khăn và tinh tế nhất giữa hai người. Sau một khoảng thời gian, ông  bắt đầu kể những câu chuyện hài, rồi bật radio và nói về bất cứ thứ âm nhạc nào mà chúng tôi nghe được.

Lúc nào tôi cũng muốn ông ở bên, như hồi tôi còn là học sinh trung học, thậm chí là sinh viên năm nhất đại học, trong suốt quãng thời gian khủng hoảng sâu nhất của cuộc đời tôi lúc đó, tôi đã mong ông tới nhà và ngồi xuống cùng tôi và mẹ, ông sẽ nói vài điều gì tích cực để vực dậy tinh thần của chúng tôi. Khi tôi chỉ là một cậu bé con, tôi thích trèo lên đùi hoặc nằm cạnh ông, ngửi mùi và sờ nắn ông. Tôi vẫn còn nhớ rõ những ngày ở Heybeliada, khi đó tôi còn rất bé, ông dã dạy tôi tập bơi: có lần tôi bị chìm, tôi đập tay dữ dội, ông đã  giữ lấy tay tôi và tôi đã vui mừng biết bao, không chỉ bởi vì tôi có thể thở trở lại mà còn bởi vì tôi có thể quấn tay tôi quanh tay ông. Tôi không muốn tiếp tục bị chìm xuống nên đã khóc rống lên “Cha ơi, đừng bỏ con!” Nhưng giờ ông đã lìa xa chúng tôi, đi tới nơi thật xa, tới một đất nước khác,  một xó xỉnh nào đó của một thế giời khác mà chúng tôi không thể nào biết được.

Khi ông nằm dài trên ghế sofa đọc sách, đôi khi mắt ông trôi qua những trang sách và suy nghĩ của ông lang thang ở đâu đó. Đó là khi tôi biết rằng bên trong con người mà tôi gọi là cha kia đã là một người khác, người tôi không thể với tới, và tôi đoán rằng ông đang mơ một cuộc đời khác và vì thế mà tôi đã lớn lên với đầy những băn khoăn về ông. Đôi khi ông nói rằng “Cha cảm thấy một viên đạn đã được bắn đi mà không có lý do”, và điều này lắm lúc làm tôi cảm thấy tức giận. Cũng còn vài điều khác hay làm tôi tức giận song tôi không biết ai đúng ai sai. Có lẽ lúc đó tôi cũng đã rất khát khảo được đào thoát khỏi thực tại.

Tôi rât thích nhìn ông mỗi khi ông bật bản giao hưởng đầu tiên của Brahms, ông tỏ ra hào hứng đánh theo nhịp điệu với cây gậy chỉ huy tưởng tượng của mình.Điều làm tôi cảm thấy không vui là sau một đời tìm kiếm niếm vui và chạy trốn khỏi những rắc rối, ông lại than vãn về việc những ham muốn quá đà của mình chẳng mang lại ý nghĩa gì ngoài bản thân nó và ông lại tìm cách đỗ lối cho người khác.

Khi tôi hai mươi, có những lúc tôi tự nói với bản thân rằng “Xin đừng để tôi trở thành người như ông” Nhưng có những lúc khác, khi tôi gặp phải những rắc rối do sự thất bại của tôi gây ra,và lúc đó trong tôi lại hiện lên hình ảnh về ông: niềm hạnh phúc, sự thoải mái, vô tư và vẻ ngoài ưa nhìn như ông từng có.

Mãi về sau, khi mà tôi đã bỏ tất cả mọi chuyện lại phía sau, khi mà sự tức giận và ghen tị không còn che khuất cái nhìn của tôi về cha, người mà chưa bao giờ la mắng tôi,không bao giờ cố áp đặt tôi theo ý ông, tôi đã từ từ hiểu và chấp nhận nhiều điểm tương đồng không tránh khỏi giữa chúng tôi. Vì thế nên giờ đây, khi tôi cằn nhằn về một vài thằng ngốc ,phàn nàn với một người bồi bàn, cắn vào môi trên, ném vài cuốn sách vào góc nhà, hôn cô con gái của tôi, lấy hết tiền ra khỏi túi, chúc mừng ai đó bằng một trò đùa vui nhộn. Tôi bắt bản thân mình bắt chước ông. Không phải bởi vì vòng tay, đôi chân, cổ tay hoặc các nốt ruồi trên lưng tôi giống ông mà còn bởi vì điều đó khiến tôi sợ hãi và sự kính sợ đó luôn nhắc nhở tôi về thời thơ ấu tôi từng khao khát được giống như ông nhiều hơn nữa.

Cái chết của mọi người đàn ông bắt đầu với cái chết của cha họ.

(Lược dịch từ tập Other colors của Orhan Pamuk)

Saturday, July 24, 2010

Đường mây trắng bay


Có một câu trích dẫn trong tích Phật giáo khi Phật cùng các đệ tử đi khắp nơi "hóa duyên - khất thực" rằng "Đi để mà đi". Tôi ngồi với một ý nghĩ rất buồn cười rằng thế ra Phật ngày đó cũng lãng tử cứ đi đi thế thôi, đâu cần biết tới đâu, cái gì đợi mình phía trước. Tôi cũng biết một người cách đây hơn 30 năm về trước một mình cũng xách cây đàn ra bến xe, nhìn cái xe nào thích thì nhảy lên và cũng không cần biết nó đi về đâu. Người đó bây giờ là Thầy tôi.

Hôm nay đứng gần một trạm xe buyt ở Đà Lạt, trời se se lạnh. Có mấy chuyến xe buýt chạy qua, tôi đếm được hai chuyến về Đơn Dương, tôi muốn bước lên nhưng lần này thì không được, phải hẹn lần sau. Tôi chưa về nơi đó, chỉ biết nơi đó là thị trấn nghèo với mây trời rất xanh, có đập thủy điện Đa Nhim, có căn nhà gỗ xiêu vẹo, cây cầu mà người Nhật xây từ những năm 60 giờ đã xập xệ. Nhưng tất cả điều ấy lại làm lên một vẻ đẹp rất hồn nhiên và đơn giản. Tất cả nó nằm ở đây và hình như trước kia tôi từng mơ về một nơi như thế. Tôi không về đó vì hôm nay đi với bạn, nhưng lần sau tôi muốn đeo ba lô lên vai và một mình khám phá chắc sẽ hay hơn.

*
Hôm qua thời tiết Đà Lạt có nắng đẹp vào buổi sáng sớm, gió trời thổi nhẹ và rất mát. Tôi cảm tưởng mình đang đứng trước một cái máy lạnh khổng lồ của tự nhiên, thú vị là tôi đứng giữa đường nơi có quán cafe và bên trái là chợ Đà Lạt.Tôi và bạn đi tìm chỗ thuê xe nhưng mãi không được, thế là cứ đi. Đi qua những con phố ngoằn nghoèo, những con dốc lên rồi dốc xuống. Nhìn ra xa thấy thung lũng xanh tươi nơi người ta trồng đủ mọi rau củ. Trời nắng rực rỡ, thi thoảng có những cụm mây nhỏ vương vấn bay bay trong gió. Nếu cao thêm tí nữa, với tay được vào mây người ta sẽ nghĩ mình đang sống ở một nơi xa xôi nào đấy mà không phải thực tại.
Đà Lạt gây ấn tượng với tôi ở cái không khí lành lạnh buổi sáng sớm, thung lũng xanh, đỉnh Lang Bian, những con dốc và con đường ngoằn nghoèo quanh núi. Còn lại thì giống như bao nhiêu nơi du lịch nổi tiếng khác mọi thứ bị đô thị hóa và thương mại hóa nhiều quá nên tôi biết mình sẽ chẳng ở nơi này quá hai ngày được. Chuyến đi này cuối cùng cũng chỉ là "Đi để mà đi" thôi.

*
Hôm qua ngồi trên đồi thông nhìn ra hồ Suối Vàng ( cái tên nghe màu mè vãi :) ngắm trâu bên kia hồ và đỉnh Lang Bian, quanh quất còn có ngựa hoang do người dân tộc nuôi, có hai phụ nữ dân tộc tới mời tôi mua quả thông và châu cây cảnh nhỏ. Tôi ngó xuống chân thì thấy những quả thông nhỏ rơi rớt xung quanh. Hai phụ nữ dân tộc chân đi giày lao động, quần áo đơn giản, khuôn mặt đen và có những nếp nhăn dài nhìn thì biết ngay không phải người Kinh, tuy rằng họ vẫn nói tiếng Kinh bình thường. Có ai mới tới họ đều mời mua cây và quả thông nhưng không có ai hứng thú cả. Tôi ngồi nhìn họ rồi bỗng chốc đi ra ven hồ. Bạn nghĩ quanh một cái hồ mà khách du lịch hoặc tụi sinh viên học sinh hay tới chơi sẽ có cái gì ?. Tôi thấy là cái gì cũng có và cả những thứ bất ngờ nhất...đi có một đoạn mà nhìn thấy bao vỏ ny lông khá nhiều, rồi mảnh chai lọ, đồ hộp, gạt tàn thuốc lá và thậm chí cả vỏ BCS...
Bên hồ có mấy người trạc tầm 30 tuổi ngồi câu cá, câu từ sáng sớm tới trưa mà chưa được con nào, họ vẫn kiên nhẫn tiếp tục. Tôi thấy câu cá chỉ hợp khi ta là trẻ con hoặc khi đã về già. Còn như tầm tuổi này người ta có nhiều việc phải làm hơn là câu cá.
Chỗ này rất đẹp nhưng nó đã bớt đẹp đi nhiều rồi.

*
Hôm qua sáng sớm ngồi trên Cafe Galy gì đó, nắng chiếu vào bên tai. Cafe cùng bạn và hai cô gái người Huế. Thế ra những lúc tôi ngồi hóng thế này mới biết rằng Bảo Lộc là xuất phát từ từ của người dân tộc là Blao. Bến Lăng Cô ở Đà Nẵng thực ra nó là nơi chỉ Làng Cò, do chỗ đó cò đậu rất nhiều nhưng do ai đó viết thiếu dấu nên người khác đọc hiểu nhầm thành Lăng Cô, chứ thực ra có cô nào ở đó đâu mà lăng :)

Đối diện hồ Xuân Hương có một nơi giải trí có các trò chơi cho trẻ con, người ta viết tên trò trơi lên một tấm biển to cả tiếng Việt và tiếng Anh, tôi chỉ kịp nhìn thấy trò đầu tiên ghi là "Đua xe" kèm mở ngoặc bên cạnh là "Go -car" là phì cười rồi. Những tấm biển kiểu này tồn tại xuyên thời gian và không thiếu trên đất nước mình. Công nhận là ngôn ngữ sáng tạo thật :P

Đà Lạt lần này chỉ có vậy thôi :)