Friday, June 7, 2013

Cha tôi


Một đêm tôi trở về nhà muộn. Họ nói với tôi rằng cha tôi đã mất.Như một vết thương nhói lên trong lòng là hình ảnh cha khi tôi còn nhỏ với đôi chân gầy guộc trong chiếc quần soọc.

Buổi sáng hai ngày sau đó, tôi tới nhà cha để nhìn ông lần cuối. “Ông ấy ở trong phòng phía sau”, họ nói với tôi như vậy. Và tôi bước vào bên trong. Sau nhiều giờ, tôi trở lại Valikonagy Avenue, vừa trước bình minh, đường phố Nisantasi vắng lặng và lạnh lẽo, ánh sáng lờ mờ từ cửa sổ của những cửa hàng mà tôi đã bước qua hơn năm mươi năm qua dường như  trở nên xa xôi và lạ lẫm.

 Buổi sáng hôm đó, tôi không ngủ và cứ như đang mơ, tôi nói chuyện trên điện thoại với vài vị khách, và đắm mình trong việc sắp xếp tang lễ; khi đó tôi đã nhận được vài lưu ý, yêu cầu, những lời cầu chúc, giải quyết vài tranh chấp lặt vặt, và viết cáo phó về cái chết của cha mà tôi đã dần hiểu ra tại sao mọi việc lại phải làm như vậy. Đối với tất cả các tang lễ, các nghi lễ còn trở nên quan trọng hơn cả người quá cố.

Vào buổi tối, chúng tôi tới nghĩa trang Edirnekapi để chuẩn bị cho việc chôn cất.Khi anh trai tôi và những người anh em họ đi vào tòa nhà nhỏ  là nơi quản lý nghĩa trang, tôi nhận ra bản thân đang ở một mình cùng người lái Taxi đang ngồi ở ghế trước. Đó là khi ông ấy nói rằng ông biết tôi là ai.

“Cha tôi đã mất” Tôi nói với ông ấy như vậy. Không suy tính gì cả và cũng không bất ngờ gì, tôi bắt đầu kể cho ông ấy về cha tôi. Tôi nói rằng cha tôi là một người đàn ông tốt, quan trọng hơn, tôi yêu ông ấy.

 Mặt trời dường như sắp mọc, nghĩa trang hoang vắng và tĩnh mịch. Những tòa nhà màu xám cao trọc trời đã mất dần sự ảm đạm thường ngày; chúng toát ra một thứ ánh sáng kỳ lạ.Khi tôi đang nói, bất ngờ một cơn gió lạnh thổi qua làm chúng tôi không thể nghe được tiếng cây tiêu huyền và cây bách lắc lư, và hình ảnh này mãi khắc sâu vào tâm trí tôi, như đôi chân gầy guộc của cha tôi vậy.

Trời bắt đầu sáng hơn, sự chờ đợi của chúng tôi trở nên dài đằng đẵng, người tài xế, giờ đây nói với tôi rằng tôi và ông ấy cùng chia sẻ một cái tên,ông vỗ mạnh lên lưng tôi hai cái với đầy thương xót rồi rời đi. Những điều tôi đã kể cho ông ấy nghe, tôi đã không kể với ai khác. Nhưng một tuần sau, những điều ấy đã nhập vào cùng những kỷ niệm và sự đau buồn của tôi. Nếu tôi không thể  thốt ra  bằng lời, nó có thể lớn dần lên và sẽ là nguyên nhân khiến tôi đau đớn hơn nữa.

Khi tôi kể với người tài xế rằng,”Cha tôi chưa từng cau có với tôi, thậm chí không mắng tôi, và chưa bao giờ đánh tôi” là tôi nói mà không cần nghĩ gì nhiều. Tôi chỉ không muốn đề cập tới đức tính tốt đẹp nhất của ông là lòng tốt. Khi tôi còn là một đứa trẻ, cha tôi luôn nhìn mỗi bức tranh tôi vẽ với sự ngưỡng mộ chân thành; khi tôi hỏi ý kiến của ông, ông luôn kiểm tra từng đường nét vẽ vội của tôi cứ như chúng là những kiệt tác; ông luôn cười ngặt nghẽo đối với mỗi câu đùa vô vị của tôi. Ông đã truyền cho tôi sự tự tin, mà nếu thiếu nó tôi đã khó mà có thể trở thành một nhà văn,để lựa chọn này thành nghề nghiệp của tôi. Niềm tin vào chúng tôi là cách dễ dàng để thuyết phục anh em tôi tin rằng chúng tôi tuyệt vời và độc đáo như thế nào, điều đó đến từ niềm tin vào trí tuệ của riêng ông. Thời trẻ con vô tư, ông chân thành tin rằng chúng tôi được định hướng để trở thành người tài giỏi, chín chắn và nhanh trí như ông, chỉ bởi đơn giản chúng tôi là con của ông.

[...]

Ông không phải là người rất khiêm tốn, những câu chuyện lôi cuốn của ông đã chỉ ra rằng ông đã thông mình như thế nào. Ông rất thích kể cho chúng tôi, ví dụ, khi còn ở trường trung học, thời vẫn còn phải mặc những chiếc quần ngắn đi học, thầy giáo dạy toán đã gọi ông vào lớp dành cho những học sinh lớn tuổi nhất trường và anh chàng Gunduz bé nhỏ (cha tôi) đã đi tới bảng đen giải quyết bài toán đã làm bối rối những chững chàng trai lớn hơn cậu ba tuổi và thầy giáo đã khen ngợi ông bằng hai từ “Tốt lắm”. Anh chàng bé nhỏ sau đó quay lại những người khác và nói “Vậy đó”. Đối mặt với ví dụ của cha, tôi thấy bản thân bị kẹt giữa lòng ghen tị và niềm ước ao được như ông.

Tôi có thể nói tương tự về vẻ ngoài ưa nhìn của ông. Mọi người thường nói rằng tôi giống ông, ngoại trừ ông chỉn chu và hào phóng hơn. Giống như gia tài mà ông được hưởng từ ông nội, dù gặp nhiều thất bại trong kinh doanh, quản lý yếu kém làm cho kiệt quệ nhưng vẻ ngoài ưa nhìn cho phép ông có một cuộc sống vui vẻ và dễ dàng, vì thế ngay cả khi ngày tồi tệ nhất tới, ông vẫn lạc quan một cách ngây thơ, vẫn có những ý định tốt đẹp và niềm tin không thể lay chuyển về giá trị của bản thân. Đối với ông, cuộc đời không phải là thứ chúng ta phải tìm kiếm mà là thứ chúng ta được tận hưởng. Thế giới không phải là một chiến trường mà là một sân chơi và khi ông lớn lên ông dần cảm thấy có một sự phiển toái nho nhỏ về khối tài sản được hưởng, trí óc minh mẫn và vẻ ngoài ưa nhìn của mình. Ông đã tận hưởng đầy đủ tuổi trẻ mà không phóng đại tên tuổi hay sức manh của mình như ông có thể mơ ước. Nhưng, trong tất cả các vấn đề gặp phải, ông không mất thời gian lo lắng về nó.Ông có thể nhún vai thất vọng dễ dàng như trẻ con khi mà ông cảm thấy đang được phân phát bởi một ai đó.Ông đơn giản tới mức ngay cả sự sở hữu cũng khiến ông cảm thấy phiền toái.Vì thế mà mặc dù cuộc sống của ông đã xuống dốc sau khi ông ba mươi tuổi, dẫn đến một chuỗi dài thất vọng nhưng tôi không bao giờ nghe ông phàn nàn nhiều. Lúc về già, ông ngồi ăn tối với một nhà phê bình nổi tiếng, người mà sau đấy chúng tôi cũng gặp đã kêu lên đầy oán giận rằng “Cha của các anh không có gì phức tạp!”

Nhờ sự lạc quan như cậu bé Peter Pan mà ông đã tự giải thoát khỏi những cơn giận giữ và ám ảnh. Ông đọc rất nhiều sách, ông đã từng mơ mình trở thành một nhà thơ, và trong suốt cuộc đời ông cũng từng dịch vài bài thơ của Valery. Tôi tin rằng ông đã  quá thoải mái với vai trò đó đến mức ông cảm thấy yên tâm về tương lai của mình, lúc nào ông cũng muốn được chú ý đến bới những đam mê thiết yếu trong sáng tạo văn học. Thời trẻ ông có một thư viện sách khá phong phú, về sau ông đã rất vui để tôi cướp nó từ tay ông. Nhưng quả thực kiểu đọc sách của ông rất khác với tôi. Tôi thường đọc ngấu nghiến và phấn khích đến quay cuồng còn ông chỉ đọc cho vui, để chuyển hướng suy nghĩ và chủ yếu là ông toàn đọc giữa chừng rồi bỏ.

[...]

 Tôi thích những bộ phim mà ông đưa tôi đi xem, hào hứng lắng nghe những tranh luận về bộ phim giữa ông và những người khác. Tôi thích những câu chuyện hài của ông về những kẻ ngốc nghếch, những thứ xấu xa, vô hồn, cũng ngang như tôi thích nghe ông nói về một loại trái cây mới, một thành phố ông từng đến hay những tin tức hoặc cuốn sách mới nhất; nhưng trên hết tôi thích được ông vuốt ve, tôi thích ông mang tôi theo một chuyến đi xa. Bởi vì tôi và ông sẽ ở cùng nhau trên một chiếc xe, lúc đó tôi cảm thấy tôi không thể mất ông. Khi ông đang lái xe, chúng tôi không thể nhìn nhau nhưng có thể nói chuyện như hai người bạn, lúc đó chúng tôi có thể chạm vào những câu hỏi khó khăn và tinh tế nhất giữa hai người. Sau một khoảng thời gian, ông  bắt đầu kể những câu chuyện hài, rồi bật radio và nói về bất cứ thứ âm nhạc nào mà chúng tôi nghe được.

Lúc nào tôi cũng muốn ông ở bên, như hồi tôi còn là học sinh trung học, thậm chí là sinh viên năm nhất đại học, trong suốt quãng thời gian khủng hoảng sâu nhất của cuộc đời tôi lúc đó, tôi đã mong ông tới nhà và ngồi xuống cùng tôi và mẹ, ông sẽ nói vài điều gì tích cực để vực dậy tinh thần của chúng tôi. Khi tôi chỉ là một cậu bé con, tôi thích trèo lên đùi hoặc nằm cạnh ông, ngửi mùi và sờ nắn ông. Tôi vẫn còn nhớ rõ những ngày ở Heybeliada, khi đó tôi còn rất bé, ông dã dạy tôi tập bơi: có lần tôi bị chìm, tôi đập tay dữ dội, ông đã  giữ lấy tay tôi và tôi đã vui mừng biết bao, không chỉ bởi vì tôi có thể thở trở lại mà còn bởi vì tôi có thể quấn tay tôi quanh tay ông. Tôi không muốn tiếp tục bị chìm xuống nên đã khóc rống lên “Cha ơi, đừng bỏ con!” Nhưng giờ ông đã lìa xa chúng tôi, đi tới nơi thật xa, tới một đất nước khác,  một xó xỉnh nào đó của một thế giời khác mà chúng tôi không thể nào biết được.

Khi ông nằm dài trên ghế sofa đọc sách, đôi khi mắt ông trôi qua những trang sách và suy nghĩ của ông lang thang ở đâu đó. Đó là khi tôi biết rằng bên trong con người mà tôi gọi là cha kia đã là một người khác, người tôi không thể với tới, và tôi đoán rằng ông đang mơ một cuộc đời khác và vì thế mà tôi đã lớn lên với đầy những băn khoăn về ông. Đôi khi ông nói rằng “Cha cảm thấy một viên đạn đã được bắn đi mà không có lý do”, và điều này lắm lúc làm tôi cảm thấy tức giận. Cũng còn vài điều khác hay làm tôi tức giận song tôi không biết ai đúng ai sai. Có lẽ lúc đó tôi cũng đã rất khát khảo được đào thoát khỏi thực tại.

Tôi rât thích nhìn ông mỗi khi ông bật bản giao hưởng đầu tiên của Brahms, ông tỏ ra hào hứng đánh theo nhịp điệu với cây gậy chỉ huy tưởng tượng của mình.Điều làm tôi cảm thấy không vui là sau một đời tìm kiếm niếm vui và chạy trốn khỏi những rắc rối, ông lại than vãn về việc những ham muốn quá đà của mình chẳng mang lại ý nghĩa gì ngoài bản thân nó và ông lại tìm cách đỗ lối cho người khác.

Khi tôi hai mươi, có những lúc tôi tự nói với bản thân rằng “Xin đừng để tôi trở thành người như ông” Nhưng có những lúc khác, khi tôi gặp phải những rắc rối do sự thất bại của tôi gây ra,và lúc đó trong tôi lại hiện lên hình ảnh về ông: niềm hạnh phúc, sự thoải mái, vô tư và vẻ ngoài ưa nhìn như ông từng có.

Mãi về sau, khi mà tôi đã bỏ tất cả mọi chuyện lại phía sau, khi mà sự tức giận và ghen tị không còn che khuất cái nhìn của tôi về cha, người mà chưa bao giờ la mắng tôi,không bao giờ cố áp đặt tôi theo ý ông, tôi đã từ từ hiểu và chấp nhận nhiều điểm tương đồng không tránh khỏi giữa chúng tôi. Vì thế nên giờ đây, khi tôi cằn nhằn về một vài thằng ngốc ,phàn nàn với một người bồi bàn, cắn vào môi trên, ném vài cuốn sách vào góc nhà, hôn cô con gái của tôi, lấy hết tiền ra khỏi túi, chúc mừng ai đó bằng một trò đùa vui nhộn. Tôi bắt bản thân mình bắt chước ông. Không phải bởi vì vòng tay, đôi chân, cổ tay hoặc các nốt ruồi trên lưng tôi giống ông mà còn bởi vì điều đó khiến tôi sợ hãi và sự kính sợ đó luôn nhắc nhở tôi về thời thơ ấu tôi từng khao khát được giống như ông nhiều hơn nữa.

Cái chết của mọi người đàn ông bắt đầu với cái chết của cha họ.

(Lược dịch từ tập Other colors của Orhan Pamuk)

No comments:

Post a Comment